Thương hiệu đóng vai trò hết sức quan trọng và gắn bó mật thiết đối với vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để có được sự tín nhiệm và lòng trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu và sản phẩm thì doanh nghiệp phải có sự đầu tư nghiêm túc vào quá trình xây dựng thương hiệu.
Doanh nghiệp gặp khó trong bảo vệ thương hiệu sản phẩm
Đó là những thông tin được các đại biểu chia sẻ trong “Diễn đàn Phát triển thương hiệu bền vững quốc gia 2024” được tổ chức tại Hà Nội ngày 11/5. Diễn đàn do Viện Văn hóa kinh doanh phối hợp với Viện Khoa học phát triển nhân lực và hợp tác quốc tế, Trung tâm nghiên cứu khoa học và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia phối hợp cùng các cơ quan hữu quan tổ chức để trao đổi, chia sẻ những giá trị về xây dựng, bảo vệ thương hiệu và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những thương hiệu, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, những chuyên gia đã nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu bền vững.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 253/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Ngày 8/10/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.
Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Rất nhiều thương hiệu Việt Nam đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.
Sau 20 năm thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có được những kết quả đáng khích lệ, nâng số doanh nghiệp đạt, được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008 lên 172 doanh nghiệp vào năm 2022.
Theo báo cáo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance: Trong 5 năm gần đây, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng 102%. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022, xếp thứ 32/121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành viễn thông, ngân hàng, thực phẩm.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp Việt vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra khá phức tạp với thủ đoạn và cách thức ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, việc nhận diện thương hiệu doanh nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh văn phòng Ban Kinh tế Trung ương: Thương hiệu không chỉ khẳng định được vị thế vững chắc của doanh nghiệp trên thị trường mà còn góp phần to lớn vào việc quảng bá hình ảnh, phát triển văn hóa truyền thống và khẳng định được sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp chân chính đã thực hiện nhiều giải pháp để tự bảo vệ mình và quyền lợi của người tiêu dùng. Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả và bảo vệ thương hiệu không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội. Trước hết doanh nghiệp cần bảo vệ chính mình, người tiêu dùng cần thông thái hơn trong đánh giá và lựa chọn sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cần hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”, ông Quý chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp chân chính đã thực hiện nhiều giải pháp để tự bảo vệ mình và quyền lợi của người tiêu dùng. Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả và bảo vệ thương hiệu không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà phải là công việc của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương.
Thương hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao doanh số và lợi nhuận
Theo PGS, TS Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh: Thương hiệu giữ vai trò quyết định trong việc duy trì khách hàng trung thành, bổ sung không ngừng khách hàng mới và cuối cùng giúp cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều quốc gia hiện nay cần tham gia vào hoạt động maketing và xây dựng thương hiệu quốc gia xuất phát từ nhiều lý do như thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, tích trữ các nguồn lực để phát triển…
“Phát huy vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập, an sinh xã hội cho người lao động và hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Song hành cùng sự phát triển của mỗi doanh nghiệp cũng chính là bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn của mỗi doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới đã góp phần phát triển, bảo vệ và nâng tầm thương hiệu Việt sánh vai với các nước trong khu vực và trong thế giới”, PGS, TS Dương Thị Liễu khẳng định.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam đã có những hành lang pháp lý từ các hiệp định thương mại tự do đối với thế giới, vấn đề xây dựng thương hiệu càng phát huy vai trò to lớn. Đồng thời việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại là hoạt động cần thiết và quan trọng đối với doanh nghiệp.